Amazon hiện là tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới, với doanh thu bán hàng trong quý 4/2022 lên tới 125.6 tỷ USD. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của Amazon chính là phương thức quản lý tồn kho ưu việt, giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển. Đó cũng chính là chìa khóa tạo nên giá trị khác biệt của Amazon: nhiều lựa chọn, giá thấp, giao hàng nhanh và tiện lợi.
Thành công xây dựng hệ thống kho hàng hiện đại
Amazon đang điều hành hơn 175 nhà kho với quy mô lên tới 150 triệu feet vuông và được trang bị hơn 200.000 robot giúp phân phối hơn 350 triệu sản phẩm khác nhau trong hàng tỷ lượt giao hàng không ngừng mỗi ngày. Kho hàng lớn nhất của Amazon được đặt tại Phoenix với diện tích khoảng 111.500 m2, tương đương 28 sân bóng đá. Mỗi kho hàng đều được liên kết chặt chẽ từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến khách hàng. Các kho hàng được đặt ở những vị trí chiến lược, nằm gần những trung tâm tiêu thụ lớn với hệ thống giao thông thuận lợi, đáp ứng khả năng phân phối hàng hóa nhanh chóng.
Để vận hành hiệu quả hệ thống kho hàng “khổng lồ” của mình, Amazon đã có những phương thức quản lý tồn kho ưu việt, góp phần tạo nên thành công ở thời điểm hiện tại.
Phương thức quản lý hàng tồn kho của Amazon
1. Áp dụng công nghệ vào quản lý và lưu trữ hàng hóa
Không giống như các kho hàng truyền thống, các kho hàng tại Amazon được tin học hóa cao, ứng dụng triệt để nền tảng công nghệ vào từng khâu quản lý vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Hệ thống quản lý tồn kho của Amazon là phần mềm chuyên dụng có thể theo dõi mức độ tồn kho, giao hàng, bán hàng và đơn hàng được đặt trên các kênh bán hàng của Amazon. Trong mỗi kho hàng, các mặt hàng được sắp xếp, bảo quản rất khoa học, đảm bảo cho các quy trình xử lý đơn đặt hàng nhanh chóng hiệu quả cao. Hệ thống cơ sở dữ liệu của Amazon sẽ cung cấp thông tin về nơi nào có không gian kệ trống và cần lấp đầy nó càng nhanh càng tốt để tối đa hóa không gian lưu trữ hàng tồn kho hiệu quả. Quy trình xử lý hàng hóa này được áp dụng theo mô hình chiến lược CFN (Customer Fulfillment Networking). Với mô hình này, năng suất kho tại Amazon tăng lên 40%, chi phí vận hành trong 3 năm giảm từ 20% doanh thu xuống còn chưa đầy 10% doanh thu.
2. Đơn giản hóa quy trình xuất nhập kho hàng
Để quản lý hiệu quả các quy trình phân phối và thực hiện, Amazon tự động hóa và số hóa các kho hàng của mình, áp dụng rộng rãi máy quét mã vạch di động và thiết bị cầm tay. Mỗi đơn hàng của khách được tải lên thiết bị cầm tay của nhân viên kho. Khi đó, hệ thống sẽ tự động lưu trữ và theo dõi vị trí của tất cả các sản phẩm, xác định khoảng cách tối thiểu giữa các mặt hàng ngẫu nhiên trong kho. Các nhân viên của Amazon sẽ sử dụng thiết bị cầm tay để quét mã vạch trên các sản phẩm và kệ hàng, giúp tăng khả năng hiển thị và độ chính xác, giảm thiểu rủi ro như lấy sai màu quần áo, sai kích thước hay nhiều vấn đề khác. Nhờ đó, hoàn thành việc lấy hàng trong thời gian ngắn nhất.